Sau vài năm sử dụng, căn nhà của bạn sẽ cũ kỹ xuống cấp, vì thế bạn muốn chuyển sang căn nhà mới, nhưng bạn lại không có đủ tiền để mua nhà mới, hay phá xây lại, vì thế biện pháp bạn có thể lựa chọn là cải tạo lại nhà cũ đấy. Tuy nhiên việc cải tạo cũng gặp nhiều khó khăn, bởi nó bị ràng buộc bởi kết cấu có sẵn.
Trước đây, hầu hết các ngôi nhà được xây dựng một cách tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của nhóm thợ thi công, không có thiết kế cụ thể, vì thế mọi thứ bố trí không thực sự tốt lắm. Điều này dẫn đến công năng sử dụng không được hợp lý: kê đồ nội thất khó, sử dụng các không gian thuận tiện, thiếu ánh sáng, chất lượng công trình không cao, vì thế khi sử dụng gây ra các hiện tượng võng, nứt sàn, tường, gây thấm dột, mốc tường hay ẩm thấp.
Việc cải tạo lại nhà cũ có thể tiết kiệm lên đến 1/3 giá trị khi xây dựng ngôi nhà mới bởi có thể tận dụng được toàn bộ phần móng, tường bao quanh, sàn nhà các tầng. Tuy nhiên việc cải tạo cũng không hề dễ dàng gì cho gia chủ và bên thi công bởi những hạn chế về cấu trúc của ngôi nhà cũ.
Với kinh nghiệm Thiết Kế và Thi Công chuyên nghiệp nhiều thể loại công trình, Kiến An Vinh muốn chia sẽ một số kinh nghiệm cải tạo nhà, hi vọng ít nhiều giúp được bạn.
– Bước 1: Cần khảo sát kỹ lưỡng hệ móng, dầm, cột hiện trạng công trình (có thể là nhà kết cấu tường chịu lực)
– Bước 2: Xem xét kết cấu hiện trạng để đưa ra phương án cải tạo thích hợp nhất để đạt được các không gian trong nhà hợp lý nhất, thu được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất, thông gió tốt nhất. Trong bước này có thể đưa phương án gia cố một số vị trí móng, để cấy thêm cột, tăng kết cấu chịu lực.
– Bước 3: xử lý các hiện tượng xấu của nhà cũ như: võng sàn, nứt tường, nứt cổ trần, nhà ẩm mốc,…
Cách xử lý hiện tượng xấu như sau:
+ Chân tường: có thể dùng biện pháp bóc bỏ tất cả các lớp vữa trát cũ, đục bỏ một phần nhỏ vữa ở 3 hàng gạch vữa liên kết gạch ở vị trí cốt sàn nhà, trát xử lý lại bằng vữa xi măng mác cao, đồng thời trát lại lớp vữa bảo vệ mác cao lên cao khoảng 90cm so với cốt sàn nhà (bạn có thể sơn thêm lớp sơn chống thấm ở chân tường).
+ Xử lý võng sàn, nứt sàn: Trong quá trình sử dụng, chủ nhà thường tự ý thay đổi công năng hoặc chia nhỏ phòng, xây trực tiếp lên sàn các tầng tại vị trí không có dầm, vì thế theo thời gian các sàn sẽ vòng vì bị một lực lên tập trung theo 1 đường thẳng giữa sàn nhà gây nen hiện tượng võng sàn, gây thấm dột, bong vữa trần.
Vì thế để xử lý tốt hiện tượng này nên phá dỡ những bức tường xây sai quy định, để có thể xây dựng tường lên sàn thì phải đổ thêm một đoạn dầm hoặc cấy một đoạn dầm lên sàn cũ, dầm này sẽ gác lên tường chịu lực hoặc dầm khung chịu lực.
+ Xử lý nứt cổ tường trên các tầng ban công, sân thượng: do thời gian sử dụng lâu năm hoặc khi xây tường ban công, tường chắn mái,… thợ thi công không xử lý lớp vữa xi măng mác cao chống thấm ngược, không đánh vát chống đọng nước vị trí chân tường giao với sàn, trần nhà vì thế khi mưa sẽ bị ngấm và đọng nước. Khi trời nắng lên, có sự thay đổi lớn về thời tiết, các lớp nước chịu nhiệt độ cao gây co giãn mạnh, gây nứt cổ trần.
Vì thế để xử lý hiện tượng này cần sửa lại các mạch vữa chân tường bằng cách đục bỏ một phần phía ngoài rồi trát lại bằng xi măng mác cao, đồng thời xây vát góc tránh đọng nước ở chân tường giao giữa tường với trần nhà.
+ Xử lý cấy dầm mới, cấy sàn và sàn cũ: để cải tạo công năng thì phải thay đổi vị trí cầu thang, do đó bạn sẽ phải cấy dầm mới, cấy sàn mới. Có nhiều biện pháp để thi công nhưng phương pháp hay dùng nhất là phá bỏ một phần nhỏ lớp bê tông bảo vệ thép, nhằm lộ thép cũ để hàn đấu đầu hoặc buộc nối thép cũ với thép mới. Tại vị trí đầu mối trước khi đổ bê tông phải đánh giấy nháp làm sạch gỉ sắt trước khi đấu nối rồi sau đó đổ một lớp xi măng nguyên chất nhằm tăng khả năng bám dính bê tông cũ và mới với nhau (lưu ýtrước khi đổ bê tông phải rửa sạch các vị trí đầu nối, mạch liên kết bê tông mới và cũ). Ở một vài vị trí khi mà bạn đưa con sơn có thể dùng thêm cách khoan một vài lỗ rồi gài thép dần con sơn vào hệ khung nhà cũ, và phải dùng keo bê tông hoặc loại đặc chủng.